Tài liệu Nguyễn_Tài_Tuyển

Quốc Triều Chính Biên Toát Yếu - Quyển 6, Tr. 212 chép: “Các quan Sơn Phòng tỉnh Nghệ là bọn Lê Doãn Nhã mộ được 90 tên dân mọi, khai khẩn được hơn 2.070 mẫu ruộng đất. Ngài ban thưởng Lê Doãn Nha kỷ lục 2 thứ, Nguyễn Tài Tuyển gia 1 cấp”.

Sách Đại Nam thực lục, Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế 2006, tái bản lần thứ hai, Kỷ thứ tư, tập 8, phần đệ tứ kỷ - quyển LXIX, Tr.277, 645, 698, chép: “ Phước thí các cử nhân trúng cách. Lấy Thượng thư bộ Hộ sung Cơ mật viện đại thần, tước Kỳ Vĩ bá Nguyễn Văn Tường sung chức Đọc quyển. Hồng lô Tự khanh biện lý bộ Lại Nguyễn Hữu Độ, Thị độc Học sĩ sung biện Các vụ Nguyễn Thuật đều sung việc Duyệt quyển, cho bọn Phan Đình Phùng 4 người đỗ Đồng tiến sĩ xuất thân (Phan Đình Phùng, Trần Hữu Khác, Trần Phát, Nguyễn Tài Tuyển).”

Phần đệ tứ kỷ - quyển LXIX trang 645, 698 chép: Quý Mùi, Tự Đức năm thứ 36 [1883], (Thanh, Quang Tự thứ 9), mùa xuân, tháng giêng. Lúc bấy giờ tỉnh Nghệ An có Lao Lã cùng với giặc Xá họp nhau ở xã Trịnh Na (thuộc huyện Hội Nguyên, phủ Tương Dương) quấy nhiễu. Tri phủ Tương Dương là Nguyễn Tài Tuyển xin phái quân quan tiến đánh. Vua dụ sai Tổng đốc Trần Văn Chuẩn phái 1 viên lãnh binh đến ngay thượng du đánh dẹp cho trong hạt được yên - Tháng 8, thưởng kỷ lục gia cấp cho bọn Sơn phòng sứ Nghệ An là bọn Lê Doãn Nhạ có thứ bậc khác nhau. (Mộ được 90 tên người Man, khai khẩn ruộng đất được hơn 2.070 mẫu. Thưởng cho Doãn Nhạ kỷ lục 2 thứ; Tham biện là Nguyễn Tài Tuyển gia 1 cấp; Hồ Duy Tĩnh thăng 1 trật. Lại thưởng cho tỉnh thần là Trần Văn Chuẩn kỷ lục 2 thứ).

Sách Đại Nam liệt truyện, Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế 2006, quyển 39, truyện các quan - mục XXIX, Tr.392, chép: “ Nguyễn Tài Tuyển, tự là Chu Sỹ, người Nam Đàn, Nghệ An, tính thành thực, chất phác, có tiếng là thờ cha mẹ có hiếu. Đỗ tiến sĩ Tự Đức năm thứ 30 (1877), bổ Tri phủ Tương Dương. Tại chức, lưu đến việc canh nông, mộ dân khẩn ruộng núi, vỗ về dân Man, tất cả với tấm lòng thành tín, lại dân mến yêu. Sau do chân Thị giảng sung sơn phòng Phó sứ Nghệ An. Gặp khi quân Man cướp bóc ở địa giới (phủ) Tương, (phủ) Quỳ, Tài Tuyển đem quân tiến đánh, người Man đều đến quân đầu thú. Tuyển bèn đóng lại ở Quỳ Châu để chiêu dụ trấn áp. Có người thấy ở đó khí độc nặng, khuyên Tuyển dời về. Tuyển nói: "Đạo làm tôi phải tận tụy, khí lam chướng[3] không đáng kể". Đã có lần bị nước lũ nguồn đột ngột đổ đến, lương thực chuyên chở không kịp, Tuyển cùng quân sĩ mấy ngày ăn một bữa, nhưng lấy công nghĩa kích thích, họ cũng đều bền chí. Kiến Phước năm đầu (1884) vì vất vả quá nhiều sinh bệnh rồi mất ở trong quân, được truy thụ Hàn lâm viện thị độc.”

Sách Khoa cử và các nhà khoa bảng triều Nguyễn trang 538 chép:

Nguyễn Tài Tuyển, ông tự là Chu Sĩ, người xã Đại Đồng, tổng Đại Đồng, huyện Nam Đàn, phủ Anh Sơn, tỉnh Nghệ An (nay là làng Thanh Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An); sinh năm Đinh Dậu (1837), mất năm Giáp Thân (1884).

Năm Đinh Mão (1867), 31 tuổi ông thi đỗ Cử nhân; năm Đinh Sửu (1877), 41 tuổi đỗ Tiến sĩ. Ngay sau khi đỗ ông được bổ làm Tri phủ Tương Dương. Ông lưu tâm đến việc khai khẩn trồng trọt ruộng nương miền núi, vỗ về người Man thiểu số nên được dân vùng cai trị yêu mến. Sau đó, ông được bổ làm Sơn phòng Phó sứ tại Nghệ An. Gặp khi quân Man tiến đánh phá vùng biên giới, ông đem quân đánh dẹp. Người Man tỏ ra hàng phục và rất nhiều người ra đầu thú, nên ông phải đóng quân ở lại Quỳ Châu để chiêu dụ. Ông vô cùng bền chí trong việc canh giữ miền núi non, nhưng cũng vì thế mà bệnh do chướng khí ở vùng này. Đến năm Giáp Thân (1884), ông sinh bệnh mà mất trong quân, khi mới 48 tuổi, được truy tặng Hàn Lâm Viện Thị độc.